Ngày 12/6, tại TP. HCM đã diễn ra Hội nghị trực tuyến giới thiệu Cổng dịch vụ công quốc gia và những lợi ích dành cho doanh nghiệp. Hội nghị do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cùng với Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Australia phối hợp tổ chức.
Theo số liệu của bộ phận vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia cho thấy, ngày 18/5, trước khi diễn ra hội nghị trực tuyến lần thứ nhất (ngày 19/5 tại Hà Nội), trên 142.000 tài khoản đăng ký tham gia hội nghị. Trong đó, khoảng 1.100 tài khoản của doanh nghiệp và trên 37 triệu lượt truy cập hệ thống. Bộ phận kỹ thuật tiếp nhận, hỗ trợ trên 11.000 cuộc gọi, 5.600 phản ánh, kiến nghị. Hệ thống tích hợp 405 dịch vụ công trực tuyến lên cổng, với 232 dịch vụ công dành cho doanh nghiệp.
So với thời điểm khai trương cổng vào 9/12/2019, khi chỉ có 8 nhóm dịch vụ công được cung cấp, thì tới nay con số đã được cải thiện đáng kể. Tới ngày 10/6, 164.000 tài khoản đăng ký tham gia, trong đó 1.720 tài khoản thuộc về doanh nghiệp, tăng trên 600 tài khoản; 42,3 triệu lượt truy cập; hỗ trợ trên 13.400 cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp. Hệ thống tích hợp, cung cấp 512 dịch vụ công trực tuyến, bao gồm 288 dịch vụ công cho doanh nghiệp.
Dịch vụ công quốc gia góp phần làm giảm gánh nặng về mặt thời gian, cũng như chi phí, thông hành giấy tờ, việc áp dụng số hóa dịch vụ hành chính công dưới một góc độ nào đó cũng đã giúp giảm chi phí logistics. Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội VLA, việc triển khai, áp dụng dịch vụ công quốc gia sẽ góp phần làm giảm chi phí logistics. Theo thống kê gần đây nhất của Ngân hàng thế giới thì chi phí logistics của Việt Nam thuộc top cao trong khu vực, vậy nên để Việt Nam có thể nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa thì chi phí logistics cũng là một vấn đề lớn cần được giải quyết.
Ngoài ra, nhằm giảm gánh nặng về mặt thủ tục giấy tờ, thời gian giao dịch thì thời gian qua VLA đã đẩy mạnh triển khai số hóa chứng từ vận tải, cụ thể ở đây là lệnh giao hàng điện tử (eDO). Theo tính toán của Hiệp hội VLA, lợi ích khi chuyển sang giao dịch e-D/O là rất lớn. Cụ thể, (1) có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian (hàng ngàn ngày công) so với giao nhận D/O giấy (cho mảng LCL và giao nhận hàng không – airfreight) với số lượng hơn 2 triệu giao dịch D/O giấy/năm trên phạm vi cả nước; (2) giải phóng hàng ngàn lao động (khoảng 3 ngàn người) để tham gia các công đoạn giá trị gia tăng khác của ngành logistics; (3) tránh rủi ro từ việc giao nhận và kiểm soát giao dịch một lượng tiền mặt rất lớn cho giao dịch D/O giấy/ năm trên phạm vi cả nước. Rủi ro về giao dịch D/O bản giấy và e-D/O là ngang nhau. Vì thế, nên hướng đến một kế hoạch hành động để bắt kịp xu thế số hóa và công nghiệp 4.0.
Theo VLR