Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam
Vietnam Logistics Business Association

/

/

Coi chừng hợp đồng “bất khả kháng” vì dịch

Coi chừng hợp đồng “bất khả kháng” vì dịch

(TBKTSG) – Nhiều người đang lo ngại với tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc như hiện nay, các đối tác làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc có nguy cơ bị tan vỡ hợp đồng do bạn hàng của họ sẽ áp dụng điều khoản “bất khả kháng” – tức hợp đồng bị vô hiệu vì lý do thiên tai, chiến tranh hay một lý do nào đó nằm ngoài tầm kiểm soát.

Hệ quả lớn nhất của dịch bệnh có khả năng làm đổ vỡ nhiều dây chuyền cung ứng toàn cầu

Báo Economist trích lời Dan Harris, một luật sư, cho rằng đây có thể sẽ là mớ bòng bong pháp lý trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm tới khi vài ngàn trường hợp tuyên bố “bất khả kháng” (force majeure) hiện nay sẽ biến thành cả một đợt sóng thần trong thời gian tới – nhiều hợp đồng bị phá vỡ mà bên chịu thiệt hại khó lòng đòi bồi thường.

Thông thường các nhà máy Trung Quốc nghỉ Tết một thời gian ngắn rồi hoạt động trở lại; công nhân sau khi về quê nghỉ Tết trở lại làm việc bình thường. Nhưng năm nay dịch Covid-19 làm xáo trộn tất cả, do tình hình phong tỏa, cách ly, hạn chế phương tiện vận chuyển… làn sóng công nhân quay về nhà máy chảy rất chậm, nhiều nơi vẫn còn đóng cửa, đa phần chưa hoạt động với công suất như cũ.

Theo Ngân hàng Đầu tư Morgan Stanley, đến cuối tháng 2 này, tốc độ sản xuất ở Trung Quốc vẫn chỉ có thể đạt từ 60-80% mức bình thường.

Trong khi đó, chuỗi cung ứng toàn cầu, thường dựa vào nguyên lý vận hành “just in time” (giao hàng đúng lúc), ắt sẽ bị xáo động mạnh ở rất nhiều ngành một khi nguồn cung ứng từ Trung Quốc bị gián đoạn. Ngoài ra, hàng xuất khẩu vào Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng mạnh khi cầu đang giảm, người dân ngưng hết mọi hoạt động tiêu dùng bình thường; hàng loạt nhà nhập khẩu Trung Quốc đòi hủy hợp đồng bởi nhập về cũng không biết để làm gì, nhất là nguyên liệu hay nhiên liệu. Ngân hàng Nomura của Nhật dự báo tăng trưởng quí 1 của Trung Quốc sẽ chỉ còn 3% so với 6% quí trước đó.

Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm cách bảo vệ chính họ bằng cách viện dẫn điều khoản “bất khả kháng” để tránh bị phạt không tuân thủ hợp đồng. Tính đến ngày 17-2, Hội đồng Xúc tiến Thương mại quốc tế Trung Quốc (CCPIT), đã phát hành hơn 1.600 giấy chứng nhận “bất khả kháng” cho các doanh nghiệp thuộc 30 lĩnh vực liên quan đến các hợp đồng có tổng trị giá lên đến 15 tỉ đô la Mỹ.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp Trung Quốc có hợp đồng cung ứng linh kiện ô tô cho một nhà máy của Peugeot ở châu Phi, nay vì dịch Covid-19 nên không thể giao hàng. Nhờ giấy chứng nhận của CCPIT mà họ tránh bị đòi bồi thường thiệt hại lên đến 30 triệu nhân dân tệ (gần 100 tỉ đồng). Hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc yêu cầu đối tác ngưng giao hàng, kể cả nguyên liệu sản xuất đồng, dầu thô, đậu nành, dầu cọ…

Thông thường, điều khoản “bất khả kháng” áp dụng trong trừng hợp thiên tai như động đất, lụt bão. Tờ Economist phân tích tính pháp lý của chuyện viện cớ “bất khả kháng” để lơ nghĩa vụ hợp đồng trong trường hợp dịch bệnh, nhất là nguyên nhân dịch bệnh hay sự lây lan mạnh có thể do con người gây ra. Họ cho rằng xét về lý lẽ thông thường thì không ổn nhưng tiền lệ thực tế và luật pháp lại cho là áp dụng được.

Luật sư David Buxbaum từng làm việc ở Trung Quốc từ năm 1972 cho rằng nhiều nhà cung ứng đã viện dẫn thành công chuyện bất khả kháng sau khi dịch SARS bùng phát vào năm 2003. Trung Quốc từng tuyên bố các chính sách thực thi nhằm kiểm soát dịch bệnh như phong tỏa thành phố, ngưng sản xuất ảnh hưởng đến hợp đồng được xem là “bất khả kháng”.

Tuy nhiên, cũng có nhiều hợp đồng thuộc thẩm quyền giải quyết bên ngoài Trung Quốc nên chưa chắc các tòa án khác đã chấp nhận viện dẫn bất khả kháng. Đầu tháng này, khi doanh nghiệp dầu khí Trung Quốc CNOOC viện dẫn “bất khả kháng” để từ chối nhận các chuyến hàng khí hóa lỏng từ Royal Dutch Shell và Total thì các nơi này phản đối.

Ngay sau đó, doanh nghiệp sản xuất đồng Guangxi Nanguo của Trung Quốc cũng dùng chuyện “bất khả kháng” để từ chối nhận nguyên liệu. Nhiều người nhận định rất có thể nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tận dụng cơ hội này để thương lượng lại giá cả hợp đồng. Tổng cộng hãng Total có 10 chuyến hàng khí hóa lỏng đến Trung Quốc trong tháng 2.

Một số luật sư do Economist phỏng vấn đều lo ngại đây là hệ quả lớn nhất của dịch bệnh, có khả năng làm đổ vỡ nhiều dây chuyền cung ứng toàn cầu. Hơn nữa, một khi có một khâu trong dây chuyền cung ứng viện dẫn “bất khả kháng” thì các khâu khác dù ở nước khác cũng sẽ áp dụng điều khoản này để tránh thiệt hại.

Vì thế, hiện nay với nhiều doanh nghiệp đối tác, điều họ lo là không nhận được hàng theo lịch cung ứng chứ chưa quan tâm lắm chuyện đối đầu với điều khoản “bất khả kháng”. Các chủ doanh nghiệp ở các nước có thể phải nghiến răng ngồi thương thảo lại điều khoản hợp đồng với đối tác Trung Quốc có giấy chứng nhận “bất khả kháng” trong tay thay vì bàn chuyện kiện tụng ra tòa.

Một số hãng luật đăng tải các lời khuyên cho doanh nghiệp nếu gặp trường hợp hợp đồng bị vỡ do tình trạng bất khả kháng; họ có ba chọn lựa: chấp nhận hủy hợp đồng, kiện ra tòa hay thương lượng một phương cách thỏa hiệp. Đa số đều đồng ý kiện ra tòa không phải là điều hay vì kiện ở Trung Quốc ắt bị xử thua, kiện ở bên ngoài Trung Quốc thì dù thắng cũng cần tòa Trung Quốc công nhận phán quyết nên khó lòng thắng kiện. Cách hay nhất là thương lượng lại hợp đồng để cứu vãn tình thế.

Ở một hướng khác, các doanh nghiệp xây dựng Singapore lại nghiên cứu viện dẫn điều khoản bất khả kháng để giải quyết tình trạng các hợp đồng xây dựng bị phá vỡ do chính phủ nước này ngăn không cho công nhân Trung Quốc nhập cảnh hay buộc cách ly một thời gian để phòng dịch Covid-19.

Hiện nay chính sách của Singapore là ngưng cấp visa mới cho công dân Trung Quốc; những ai có sẵn visa cũ muốn vào Singapore phải làm đơn và nếu được chấp nhận nhập cảnh cũng phải buộc cách ly 14 ngày trước khi ra công trình. Tuần trước, Bộ Lao động Singapore cho Reuters biết mỗi ngày họ đã từ chối chừng 400 đơn xin nhập cảnh từ công nhân nước ngoài từng đến Trung Quốc. 

Nguyễn Vũ

Link gốc bài viết: https://www.thesaigontimes.vn/300565/coi-chung-hop-dong-bat-kha-khang-vi-dich.html

Sự kiện VLA tổ chức

Thông báo quan trọng

Hướng Dẫn Đăng Ký eFBL
Hướng Dẫn Đăng Ký FMC Bond
Tài Liệu Kỹ Năng Soạn Thảo Hợp Đồng Logistics