Sáng 16/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo ‘‘Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành Logistics và Thương mại điện tử bền vững’’ và Lễ công bố “Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023”. Hội thảo có sự tham gia của gần 300 đại biểu từ các Bộ, ngành Trung ương, các Hiệp hội, Hội ngành hàng sản xuất, thương mại, logistics, thương mại điện tử, một số doanh nghiệp lớn trong từng ngành hàng và các cơ quan thông tấn báo chí.
Hội thảo ‘‘Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành Logistics và Thương mại điện tử bền vững’’ |
Nhiều cơ hội cho logistics Việt Nam phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung toàn cầu
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, năm 2023 là một năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do vậy chịu tác động mạnh từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là chính sách lãi suất, tỷ giá. Các động lực tăng trưởng chính của Việt Nam như: Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước gặp nhiều thách thức.
Tuy nhiên, kết quả xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2023 đã thể hiện sự quyết liệt, kịp thời, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương để hài hòa các mục tiêu trước mắt và lâu dài, cùng với việc phát huy tính chủ động, sáng tạo, quyết đoán của cộng đồng doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu nhằm từng bước phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
“Kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta năm 2023 đạt 681,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 354,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 326,4 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 28,3 tỷ USD”, ông Trần Thanh Hải thông tin.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu phát biểu khai mạc hội thảo |
Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cũng khẳng định, logistics có vai trò quan trọng đối với toàn bộ quá trình từ sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối đến tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp ngày càng lớn đối với việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của đất nước. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do và với lợi thế địa kinh tế, ngành dịch vụ logistics Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.
“Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics”, ông Hải cho hay.
Ứng dụng công nghệ để “bứt phá”
Theo Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, cùng với tiến trình hội nhập, sự phát triển của nền kinh tế, sự gia tăng của hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư cũng như việc thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, ngành logistics Việt Nam cũng đạt được một số kết quả nhất định. Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) năm 2023 đạt 3,3 điểm, đứng thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trong các nước ASEAN, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ khá cao, đạt 14 – 16%/năm với quy mô khoảng 40 – 42 tỷ USD/năm, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
“Để đạt được kết quả này, không thể không kể đến vai trò của thương mại điện tử – là một ngành có tác động tương hỗ với ngành dịch vụ logistics, góp phần quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam”, ông Trần Thanh Hải đánh giá.
Đồng thời ông cũng cho biết, Việt Nam hiện đang là quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm thương mại điện tử cao nhất Đông Nam Á (khoảng 43,9 triệu người), do vậy dịch vụ logistics đáp ứng cho nhu cầu ngành thương mại điện tử luôn là cần thiết. Hơn hết, xu hướng chuyển đổi số, thay đổi hành vi mua sắm và các yếu tố tác động khác đang đưa thương mại điện tử thành lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian vừa qua.
Hội thảo có sự tham gia của gần 300 đại biểu từ các Bộ, ngành Trung ương, các Hiệp hội, Hội ngành hàng sản xuất, thương mại, logistics, thương mại điện tử |
Một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ là “Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng nhằm đạt chất lượng dịch vụ logistics cao hơn”. Bên cạnh đó, theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.
Là một trong những ngành then chốt, giới chuyên gia cho rằng, logistics cần được đầu tư kỹ lưỡng, đặc biệt trong khía cạnh chuyển đổi số để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác. Việc ứng dụng công nghệ trong logistics và thương mại điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích, theo đó tối ưu hiệu quả của các hoạt động của hai ngành này, từ đó góp phần giảm chi phí logistics nói chung cho toàn bộ nền kinh tế, hiện thực hóa mục tiêu trọng yếu của bất cứ quốc gia nào, đặc biệt với Việt Nam khi mà chi phí logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng trải nghiệm khách hàng, giảm thiểu phát thải carbon, xả thải bao bì gây ô nhiễm môi trường nhờ việc tối ưu lộ trình vận chuyển cũng như quản trị tốt việc giao hàng dựa trên các ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Những lợi ích này không chỉ mang lại giá trị cho từng doanh nghiệp dưới góc độ kinh tế và chất lượng dịch vụ mà còn tác động chung đến toàn ngành logistics và thương mại điện tử cũng như nền kinh tế.
Các diễn giả quan tâm tới ấn phẩm Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 được công bố tại hội thảo |
Theo Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, từ hoạt động thực tiễn ở mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương và kinh nghiệm được rút ra, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị các đại biểu đại diện cho các Hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics, thương mại điện tử, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế tiếp tục đối thoại, thảo luận, chia sẻ với các Bộ, ngành, địa phương, đối tác có liên quan về những ý tưởng, kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong việc phát triển ngành logistics và thương mại điện tử hiện đại, bền vững; tập trung thảo luận, thống nhất kiến nghị với cấp có thẩm quyền, các cơ quan chức năng về một số chính sách, giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong logistics, giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội để phát triển thị trường, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng dịch vụ, góp phần từng bước đưa ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.
“Tại Hội thảo ngày hôm nay, ấn phẩm Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 cũng sẽ được công bố. Đây là một báo cáo thường niên, được đánh giá cao vì là nguồn thông tin chính thống, trung thực của Bộ Công Thương để các Hiệp hội, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia và người dân tiếp cận với mục tiêu góp phần vào sự phát triển bền vững hoạt động xuất nhập khẩu, logistics và thương mại điện tử trong thời gian qua”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Theo Báo Công Thương