Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam
Vietnam Logistics Business Association

/

/

Chính thức trình Chính phủ Nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

Chính thức trình Chính phủ Nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

Bộ Tài chính đề xuất từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2023, mức thu LPTB bằng 50% mức thu hiện hành. Ảnh: Nguyễn Hà.

Theo đó, tại Tờ trình số 119/TTr-BTC ngày 20/6/2023 gửi Chính phủ về dự án nghị định của Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính trình Chính phủ mức thu LPTB lần đầu đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước như sau:

Từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2023, mức thu LPTB bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 của Chính phủ quy định về LPTB và các nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu LPTB tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Từ ngày 1/1/2024 trở đi, mức thu LPTB tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về LPTB và các nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu LPTB tại địa phương.

Thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 trực tuyến với địa phương; thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Công văn số 4019/VPCP-KTTH ngày 1/6/2023 và Công văn số 4174/VPCP-KTTH ngày 7/6/2023 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng dự án nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Dự án nghị định đã được gửi lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức, cá nhân, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia và hoàn thiện hồ sơ dự án nghị định. Trên cơ sở này, Bộ Tài chính đã có công văn gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về dự án nghị định. Ngày 20/6/2023, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo thẩm định số 107/BCTĐ-BTP về dự án nghị định. Bộ Tài chính đã nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và đã có tờ trình chính thức gửi Chính phủ về dự án nghị định của Chính phủ về mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Về tác động đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất và phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và kinh tế – xã hội, Bộ Tài chính cho biết, tại Báo cáo thẩm định số 107/BC-BTP ngày 20/6/2023 về dự án Nghị định, Bộ Tư pháp đã nhất trí về sự cần thiết ban hành văn bản; sự phù hợp của dự thảo Nghị định với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Nghị định với hệ thống pháp luật; tính khả thi của dự thảo Nghị định; sự cần thiết, tính hợp lý, chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính; việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Nghị định cũng như trình tự, thủ tục soạn thảo Nghị định.

Về tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, trong đó có nguyên tắc đối xử quốc gia, từ đó báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị phương án, lập luận trong trường hợp có khiếu nại, khiếu kiện quốc tế.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính có đánh giá tác động đến các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên và khả năng Việt Nam có thể bị tham vấn, khiếu kiện.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, thực tế khả năng Việt Nam bị kiện là không cao và Việt Nam chưa nhận được bất kỳ ý kiến hay phản đối của các thành viên WTO cũng như các đối tác thương mại trong các khuôn khổ mà Việt Nam tham gia.

Theo Bộ Tài chính, cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cũng có nhiều khó khăn. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), mặc dù có sự cải thiện đáng kể nguồn cung nhưng tình hình ngành công nghiệp ô tô trong quý 1/2023 còn vẫn gặp nhiều khó khăn, doanh số bán hàng có sự suy giảm, đặc biệt là trong những tháng cuối năm 2022 (thời điểm Tết Nguyên đán) cho thấy những tín hiệu bất thường và đáng ngại đối với doanh nghiệp trong ngành ô tô Việt Nam.

Doanh số bán hàng trong 2 tháng cuối năm 2022 giảm mạnh và đặc biệt doanh số bán hàng tháng 1/2023 sụt giảm tới 44% so với cùng kỳ năm trước và giảm 51% so với tháng trước liền kề. Tổng doanh số bán hàng của các thành viên VAMA cho đến hết tháng 5/2023 giảm 43% so với cùng kỳ năm trước.

Để góp phần kích thích tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức thì việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp cần thiết.

Việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã góp phần hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp thông qua việc trực tiếp giảm chi phí đăng ký quyền sở hữu ô tô, từ đó kích thích nhu cầu, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.

Qua đó, hỗ trợ các nhà sản xuất và phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ được lượng ô tô tồn kho kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Đồng thời, thúc đẩy các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp xe mới đưa vào thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, hướng tới mục tiêu xuất khẩu sang khu vực ASEAN.

Nguồn: haiquanonline.com

Sự kiện VLA tổ chức

Thông báo quan trọng

Hướng Dẫn Đăng Ký eFBL
Hướng Dẫn Đăng Ký FMC Bond
Tài Liệu Kỹ Năng Soạn Thảo Hợp Đồng Logistics