Với sự kết hợp thế mạnh mạng lưới – công nghệ – kết nối của những “ông lớn” ngành logistics, chúng ta có thể tin tưởng “giấc mơ bay” của nông sản Việt sẽ không còn xa vời nữa.
LTS: Trong năm 2020, 2021, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý thông tin Diễn đàn Doanh nghiệp nêu. Trước thềm Xuân Tân Sửu 2021, Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ có loạt bài viết điểm lại những chỉ đạo của Thủ tướng và những khuyến nghị cho thời gian tới.
Tháng 9/2020, Văn phòng Chính phủ có công văn số 7709/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với các Bộ ngành liên quan nghiên cứu phản ánh của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.
Theo đó, Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 10/9 có bài viết Hàng nông sản Việt Nam khó vươn ra thế giới vì chi phí logistics” phản ánh ý kiến của doanh nghiệp “phải có một hãng hàng không với đội bay chuyên chở hàng hoá riêng biệt phục vụ cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, cho các tuyến đường riêng biệt”.
Chỉ một tháng ngay sau chỉ đạo này của Người đứng đầu Chính phủ, vào tháng 10/2020, một Cty dịch vụ hàng không, cung cấp tải ra đời mang tên ASEAN Cargo Gateway (ACG). Điều đáng nói, ACG được định hướng sẽ là một Hãng hàng không hàng hoá chuyên biệt, đặc biệt là cho hàng nông sản Việt Nam.
Chia sẻ với DĐDN, Vị đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, một số hội viên chủ chốt của VLA đã liên kết, tận dụng thế mạnh của mỗi doanh nghiệp thành lập ra ACG.
Khi được hỏi về lý do ra đời cũng như thách thức của ACG, vị đại diện VLA chia sẻ, đây là một sự kết hợp có tính điển hình giữa các doanh nghiệp hàng đầu của ngành, với các thế mạnh về mạng lưới – công nghệ – sự kết nối với chủ hàng trong nước và quốc tế với một mô hình kinh doanh khác biệt.
“Trong giai đoạn đầu, trên tinh thần của kinh tế chia sẻ, tối ưu hóa các nguồn lực chưa được sử dụng hết, ACG sẽ vận hành các dịch vụ thuê chuyến định kỳ (regular charter), kết nối các điểm trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á, tiếp sau đó là hướng tới việc giải quyết các vấn đề của ngành logistics hàng không, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là nông sản Việt Nam (một cách bền vững)”, đại diện VLA nhấn mạnh. ACG sẽ sớm trở thành Hãng hàng không hàng hoá chuyên biệt.
Rõ ràng, nhiều chuyên gia cũng từng khẳng định, vận tải hàng không là một trong những giải pháp đột phá cho logistics nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hoá và doanh nghiệp Việt. Ngoài ra, được biết ACG cũng đã có ký kết hợp tác với Hiệp hội Nông nghiệp số (VIDA) trong liên kết hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp Việt tới nhiều thị trường. Như vậy, với sự kết hợp thế mạnh của những ông lớn ngành logistics, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng “giấc mơ bay” của nông sản Việt sẽ không còn xa vời.
Trong bài viết của Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 10/9/2020 Hàng nông sản Việt Nam khó vươn ra thế giới vì chi phí logistics” phản ánh ý kiến của doanh nghiệp. Theo đó, nhiều doanh nghiệp phản ánh, chi phí logistics đắt đỏ khiến nông sản Việt kém cạnh tranh.
Ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air Cargo kiến nghị để phát triển vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng, thì phải có một hãng hàng không (Cargo Airlines) với đội bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt phục vụ cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, cho các tuyến đường riêng biệt. Như vậy, giá cước phí máy bay mới giảm được. Một hàng hàng không như vậy phải được Chính phủ tài trợ với chính sách tài khóa phù hợp.
Đồng thời, cần đầu tư mạnh vào hệ thống logistics phục vụ lưu trữ, bảo quản, thông quan bảo đảm chất lượng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam…. Khuếch trương chính sách “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” trong vận chuyển và phân phối sản phẩm.
Cũng liên quan tới vấn đề nông sản Việt Nam, vào tháng 8/2020, Diễn đàn Doanh nghiệp điện tử số ra ngày 21/8/2020 có đăng bài: “Nông sản Việt Nam cần cải cách “quy trình” để vào thị trường lớn”. Trong đó, nêu ý kiến của ông Nguyễn Đức Tùng – Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), cho rằng “EVFTA mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt, tuy nhiên để gia tăng sản lượng lớn vào EU, Chính phủ cần thực hiện 03 nội dung chính: có chính sách giúp người nông dân cải cách mọi quy trình chăm sóc và chế biến; quản lý sát sao, thậm chí cấm lưu hành sản phẩm hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích sử dụng sản phẩm hữu cơ; có các chương trình đào tạo, khuyến khích người nông dân trồng trọt theo phương pháp công nghệ, kỹ thuật mới”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có công văn chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu trong quá trình quản lý phát triển nông nghiệp, tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA từ ý kiến trên.
Bài viết có phản ánh ý kiến của ông Nguyễn Đức Tùng cho rằng EU là thị trường quan trọng của nông nghiệp Việt Nam và đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nếu nói EVFTA là cơ hội cho hàng hóa Việt Nam sang EU là có căn cứ nhưng nếu nói EU là thị trường hấp dẫn với nông sản Việt Nam thì có phần chưa thực tế.
Theo kết quả khảo sát từ các thành viên từ Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), việc EVFTA được ký kết sẽ mở ra cánh cửa lớn với nông sản Việt Nam sang EU, trong đó phải kể đến những ông lớn trong ngành nông nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng và mở rộng đầu tư trong lĩnh vực này như: Tập đoàn Thaco, Vingroup, Hồ Gươm…
Ông Tùng cho rằng, trong ngắn hạn thì cơ hội vẫn thuộc về những nông sản có thế mạnh lâu năm của Việt Nam đã thâm nhập được thị trường này như: thủy hải sản, cà phê, hạt điều và đồ gỗ (tổng kim ngạch xuất khẩu của 04 nhóm mặt hàng này đạt 3,35 tỷ USD).
Link gốc bài viết: https://enternews.vn/hang-hang-khong-cho-nong-san-giac-mo-bay-se-khong-dang-do-191514.html