Cùng với lợi thế địa lý và hạ tầng cảng biển hiện đại, đội tàu lớn cùng nguồn hàng mạnh sẽ là mảnh ghép cuối cùng giúp VN hiện thực hóa giấc mơ trở thành “hub” (trung tâm) logistics của khu vực.
Phân kỳ mở rộng mạng lưới chân hàng
Gần 30 năm hoạt động trong lĩnh vực tàu biển, Gemadept là một trong những doanh nghiệp (DN) nội lớn nhất trên thị trường vận tải biển của nước ta hiện nay. Ông Phạm Quốc Long, Phó tổng giám đốc Công ty CP Gemadept, cho biết thị trường vận tải container phần lớn hiện rơi vào tay các DN ngoại, các hãng tàu nội dù đang tích cực mua sắm tàu nhưng cũng chỉ nỗ lực kinh doanh trên các tuyến gần đi Đông Bắc Á, nội Á, chưa có điều kiện đi tuyến xa. Nguyên nhân chính là vốn và nguồn hàng. Cụ thể, để sắm được tàu lớn, chở được nhiều hàng đi tuyến xa thì cần vốn rất lớn. DN Việt tiềm lực yếu, sau đại dịch lại càng yếu hơn. Tuy vậy, nếu Chính phủ quyết tâm thực hiện Đề án phát triển đội tàu mà Bộ GTVT vừa thông qua thì sẽ có nhiều chính sách khuyến khích giúp các DN tìm được lời giải cho bài toán nguồn vốn.
VN có lợi thế về hạ tầng cảng biển lớn, hiện đại, như cảng container nước sâu Lạch Huyện, Hải Phòng, để trở thành một trung tâm hàng hải của khu vực
Thế nhưng có tàu mới chỉ là điều kiện cần. Với ngành vận tải, quan trọng nhất là mạng lưới nguồn hàng. Không phải chỉ đưa hàng đi mà đến nước nào, địa phương nào cũng phải có bạn hàng để lấy hàng ra. Mạng lưới khách hàng của ta rất khó để cạnh tranh với các hãng tàu lớn trên thế giới. Chi phí của một chuyến tàu rất cao nên cần phải có đủ nguồn hàng, đủ giá cước để “nuôi sống” được chuyến tàu đó.
Theo ông Long, hiện nay đối với VN, đầu hàng đi từ nước ta có thể mạnh, hàng xuất khẩu nhiều nhưng nguồn hàng về từ nước ngoài rất khó khăn. Các hãng tàu quốc tế đang khai thác đều là DN rất lớn, phương tiện to, đã có nhiều năm kinh nghiệm nên rất khó để cạnh tranh với họ. Ngay cả với hàng xuất khẩu, DN Việt từ trước tới nay phần lớn là bán theo phương thức FOB (người mua điều tàu đến lấy hàng) nên cũng rất khó có trường hợp khách hàng nước ngoài ủng hộ hãng tàu Việt. Dần dần, cách thức này khiến mạng lưới vận tải biển của VN ngày càng bị thui chột.
“Đây là cuộc chơi rất lớn, đòi hỏi mô hình chuẩn, tiềm lực mạnh nên giai đoạn đầu chúng ta không thể mong phát triển nóng đội tàu hoặc giành thị phần vận tải biển. Vươn càng xa thì chi phí cho 1 con tàu càng lớn, DN không thể đảm đương, cam kết được. Cần phát triển từ từ từng bước theo lộ trình, bắt đầu tập trung vào thị trường Đông Bắc Á, nội Á đi Nhật Bản, Hàn Quốc. Đặc biệt, các DN Việt giờ phải tìm cách liên kết, hợp tác với các hãng tàu nước ngoài để vừa tăng đội tàu theo phương thức đổi tàu, vừa dần mở rộng mạng lưới chân hàng”, ông Phạm Quốc Long đề xuất.
Đồng tình, ông Nhữ Đình Thiện, Phó tổng thư ký Hiệp hội đại lý và môi giới hàng hải VN (VISABA), cho rằng việc phát triển đội tàu đủ mạnh là “giấc mơ” còn rất xa vì nguồn tiền để xây dựng được một đội tàu vô cùng lớn, có thể lên hàng trăm triệu USD. Đây là chiến lược quốc gia, cần sự phối hợp giữa nhà nước, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Trước mắt, VN cần phát triển được tàu trong khu vực, vận chuyển hàng trong khu vực nội Á để đẩy mạnh thị phần vận chuyển hàng xuất khẩu Việt lên. Từ đó, việc gom hàng về sẽ bớt khó bởi chúng ta đang có lợi thế hạ tầng cảng biển tốt, có thị trường xuất nhập khẩu lên hàng chục triệu container mỗi năm.
“Có thêm tàu biển, gia tăng thêm việc chở hàng hóa VN xuất khẩu sẽ mang lại lợi thế lớn cho ngành thương mại. Nếu chúng ta chủ động được phương tiện chở hàng đi thì sẽ dần tạo dựng được thương hiệu và nhanh chóng có thể gom hàng hóa, nguyên liệu trở về”, ông Thiện nhận định.
Giấc mơ “hub hàng hải”
Theo kết quả nghiên cứu quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự báo hàng hóa thông qua cảng biển VN đến năm 2030 khoảng 1.140 – 1.423 triệu tấn. Cục Hàng hải đánh giá với dự báo này thì thị trường cho vận tải biển là rất lớn, mở ra cơ hội cho đội tàu biển VN cũng như đội tàu nước ngoài tham gia thị trường VN trong những năm tới. Báo cáo Agility 2022 xếp VN đứng thứ 11 trong 50 thị trường logistics mới nổi. Riêng về “cơ hội logistics quốc tế”, chúng ta đứng vị trí thứ 4, do vị thế ngày càng tăng như điểm đến cho các công ty muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng. VN được đánh giá có cơ hội thành “hub logistics” mới của khu vực, đặc biệt là về hàng hải và hàng không.
Ông Phạm Quốc Long khẳng định VN nắm trong tay rất nhiều tiềm năng để trở thành “hub hàng hải” mới của khu vực. Thế mạnh của chúng ta là nằm trên luồng hàng hải thế giới, là nước xuất siêu, là trung tâm có nhiều hàng hóa và sở hữu hạ tầng cảng biển lớn, hiện đại. Nếu tập trung phát triển theo hướng này, đẩy mạnh hệ thống giao thông kết nối và hạ tầng dịch vụ cảng biển, VN có thể tạo ra viễn cảnh “1 mũi tên trúng 2 đích” – vừa tạo đột phá giá trị kinh tế từ hệ thống cảng biển, vừa giảm bớt áp lực phát triển nóng đội tàu.
Dẫn ví dụ về Singapore, ông Long phân tích, đảo quốc sư tử không có đội tàu mạnh nhưng vẫn là “hub hàng hải” của toàn thế giới. Việc tập trung được hầu hết các hãng tàu lớn trên thế giới giúp Singapore không cần bỏ chi phí quá lớn để phát triển đội tàu nhưng vẫn chủ động được giá cước do có sự cạnh tranh giữa các hãng tàu.
Singapore cũng là ví dụ về mô hình phát triển hệ thống hàng hải thành công mà ông Nguyễn Tương, cố vấn cấp cao Hiệp hội DN dịch vụ logistics VN, đề xuất VN nên làm theo. Ông phân tích: Để trở thành hub logistics như hiện nay, Singapore đã tập trung đầu tư vào 3 nội dung chính: Thứ nhất là có cơ chế chính sách, luật pháp điều chỉnh ngành nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư trong nước và nước ngoài. Thứ hai, cần chính sách hỗ trợ tài chính cho DN phát triển kết cấu hạ tầng, như cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, phát triển đội tàu, đổi mới công nghệ; chính sách phát triển nguồn nhân lực vận tải biển, logistics. Thứ ba là tăng cường hợp tác quốc tế, tạo ra mạng lưới kết nối toàn cầu…
“VN trở thành hub hàng hải của khu vực và thế giới là nguyện vọng của nhà nước và người dân VN khi chúng ta có lợi thế về địa chính trị biển. Nhưng với cách làm thụ động như hiện tại thì đó chỉ là mong muốn. Phải kết hợp nguồn lực của nhà nước với tư nhân để phát triển như đã thành công ở nhiều công trình. Trong đó, có quyết tâm chính trị thật cao để thực hiện đề án tăng thị phần vận tải của đội tàu treo cờ VN”, ông Nguyễn Tương nhấn mạnh.
“Các DN vận tải biển VN cần tăng cường hợp tác liên minh, liên kết với nhau theo mô hình Nhật Bản và Hàn Quốc đã sáp nhập các hãng tàu container để tăng cường sức mạnh. Cộng tác, phát triển các văn phòng thương vụ tại nước ngoài để mở rộng mạng lưới tăng cường nguồn hàng chiều về cũng là phần quan trọng của chiến lược phát triển đội tàu container VN nói chung”.
Ông Nguyễn Tương,
cố vấn cấp cao Hiệp hội DN dịch vụ logistics VN
Theo báo Thanh niên