Trong bối cảnh ngành logistics ngày càng phát triển mạnh mẽ, Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) đã khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Bài viết dưới đây (được đăng trên tạp chí FIATA Review số 150) sẽ đi sâu vào những nỗ lực của VLA trong việc phát triển chương trình đào tạo FIATA tại Việt Nam, từ việc hợp tác với các trường đại học cho đến việc đảm bảo sự công nhận của ngành, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) đại diện cho hơn 805 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Dưới sự quản lý của VLA, Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) là đơn vị chuyên về đào tạo, tư vấn và nghiên cứu trong lĩnh vực logistics. Là thành viên của FIATA, VLA có trách nhiệm quản lý, phát triển và triển khai Chứng chỉ FIATA về Vận chuyển Hàng hóa – FIATA Diploma in Freight Forwarding (FDFF) và Chứng chỉ Cao cấp FIATA về Quản lý Chuỗi Cung ứng – FIATA Higher Diploma in Supply Chain Management (FHDSCM) tại Việt Nam. Với chuyên môn của mình, VLA/VLI đã thành công trong việc triển khai các chương trình này, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có số lượng sinh viên tốt nghiệp và được trao chứng chỉ FIATA cao nhất trên toàn thế giới.
Sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại TP. HCM nhận chứng chỉ của FIATA
Chương trình đào tạo của FIATA được VLA/VLI triển khai tại Việt Nam vào năm 2010. Tính đến nay, đã có hơn 2,000 sinh viên tốt nghiệp với các chứng chỉ FDFF và FHDSCM. Dự kiến trong giai đoạn 2025 – 2030, số lượng sinh viên đăng ký theo học sẽ tăng 30% mỗi năm. Ban đầu, các chương trình đào tạo của FIATA được VLA/VLI trực tiếp tổ chức cho nhân viên làm việc trong lĩnh vực logistics. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của ngành logistics, VLA/VLI đã nhận thấy sự cần thiết trong việc hợp tác với các cơ sở giáo dục nhằm mở rộng quy mô đào tạo theo chương trình FIATA. Do đó, từ năm 2017, VLA/VLI đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với hơn 21 cơ sở giáo dục, trong đó có 9 trường đại học tại Việt Nam đã đưa chương trình đào tạo của FIATA vào chương trình giảng dạy chính khóa và theo đó có đến hơn 80% sinh viên tốt nghiệp khóa học của FIATA tại Việt Nam được đào tạo tại các cơ sở này.
Để xây dựng thành công mối quan hệ đối tác với các trường đại học, hai bên đã thảo luận và thiết kế chương trình giảng dạy phù hợp với các tiêu chuẩn của FIATA, đồng thời vẫn đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ nhận được bằng đại học cùng với chứng chỉ FIATA. Ngoài ra, VLA còn hỗ trợ các trường đại học bằng cách cung cấp các khóa đào tạo giảng viên chuyên sâu, khuyến khích giảng viên hoàn thành chương trình giáo dục FIATA trước khi giảng dạy và tạo điều kiện kết nối với các doanh nghiệp trong ngành để nâng cao kiến thức thực tiễn.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) – PGS – TS Hồ Thị Thu Hòa (áo dài đỏ) trao chứng chỉ FIATA cho các sinh viên Trường Đại học Ngoại Thương
Ngoài ra, VLA còn đóng vai trò là cầu nối giữa các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp, hợp tác với các công ty logistics trong chương trình giảng dạy, hỗ trợ thực tập và giúp đỡ sinh viên tốt nghiệp trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm. Một trong những sáng kiến quan trọng của VLA là đảm bảo các chương trình đào tạo của FIATA được công nhận trong toàn ngành như một tiêu chuẩn trong giáo dục cũng như tuyển dụng. Để đảm bảo chương trình giảng dạy luôn được cập nhật và gắn với thực tiễn, VLA luôn tích cực mời các chuyên gia giàu kinh nghiệm từ các công ty logistics hàng đầu tham gia vào việc thiết kế và phát triển chương trình học. Bên cạnh đó, Hiệp hội đã áp dụng một loạt các chiến lược truyền thông bao gồm tổ chức những buổi hội thảo, sử dụng những kênh truyền thông trực tuyến, tổ chức và hỗ trợ các cuộc thi logistics để nâng cao nhận thức, thu hút người học, xây dựng lòng tin của các nhà tuyển dụng cũng như củng cố mạng lưới của VLA/ VLI.
VLA mong muốn chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc triển khai các Chương trình Đào tạo FIATA và luôn sẵn sàng hợp tác với các thành viên FIATA trên toàn cầu để mở rộng phạm vi đào tạo. Đồng thời để chương trình đạo tạo chứng chỉ của FIATA có thể mở rộng hơn nữa, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành logistics, VLA đề xuất FIATA tăng cường hơn nữa việc phát triển đội ngũ giảng viên, cung cấp thêm tài liệu giảng dạy và tạo ra phần mềm ứng dụng chung để thuận tiện cho việc triển khai các khóa học FIATA trên toàn thế giới.
Theo Tạp chí FIATA Review số 150: https://www.flipsnack.com/fiata/fiata-review-march-2025/full-view.html
Bài: VIETNAM’S SUCCESS STORY: ADVANCING LOGISTICS WITH FIATA DIPLOMA PROGRAMMES – Trang 10
Ngọc Quỳnh VP VLA dịch.