Sáng nay (23/4) Hội nghị “Liên kết phát triển dịch vụ Logistics Hải Phòng” sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị TP Hải Phòng.
Hội nghị do UBND TP Hải Phòng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ đạo Sở Công Thương TP Hải Phòng, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam phối hợp tổ chức.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, Hải Phòng đã được Trung ương xác định là cửa ngõ của khu vực phía Bắc và cả nước, thông thương với các nước trong khu vực và thế giới.
Bên cạnh lợi thế về địa kinh tế, địa chính trị Hải Phòng còn có hệ thống hạ tầng giao thông được kết nối liên hoàn và khá đồng bộ…
Cảng Lạch Huyện – Hải Phòng
Tầm nhìn 2045
Ngay sau khi Bộ Chính trị có Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND thành phố Hải Phòng đã có Quyết định số 549/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics của Hải Phòng đạt khoảng 30% – 35%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 20% – 25%; tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 60%. Đến năm 2030, cơ bản hoàn thiện mạng lưới trung tâm logistics trên địa bàn thành phố, đảm bảo tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30% – 35%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 25% – 30%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 65%.
Để đạt mục tiêu đó, Hải Phòng đã quy hoạch phát triển 17 loại hình dịch vụ logistics. Ngoài ra, Hải Phòng sẽ quy hoạch các hành lang vận tải hàng hóa gồm 03 hành lang chính vận tải hàng hóa đi/đến thành phố: Tuyến trục Hải Phòng – Hà Nội với hai nhánh đi Lào Cai – Vân Nam (Trung Quốc) và đi Lạng Sơn – Quảng Tây (Trung Quốc); Tuyến trục Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái; Tuyến trục Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình.
Đến năm 2025, Hải Phòng sẽ có 06 trung tâm logistics với tổng công suất thông qua của các trung tâm khoảng 90,65 triệu tấn/năm, trong đó hàng container khoảng 5,07 triệu TEUs/năm), đảm nhận 50% – 60% tổng lượng hàng có nhu cầu cung ứng dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Tổng công suất hàng hóa thông qua các trung tâm đạt 140,35 triệu tấn/năm (trong đó hàng container khoảng 7,86 triệu TEUs/năm), đảm nhận 60% – 65% tổng lượng hàng có nhu cầu cung ứng dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hải Phòng vào năm 2030.Theo ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, kết nối hạ tầng cảng biển như cải tạo, nâng cấp đường 356 trên địa bàn huyện Cát Hải; cải tạo, nâng cấp tuyến đường xuyên đảo Cát Bà; đầu tư cầu Tân Vũ – Lạch Huyện 2, đẩy nhanh tiến độ tuyến đường bộ ven biển, mở rộng sân bay Cát Bi.
Trải thảm đỏ phát triển ngành logistics
Trong Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 do VCCI công bố mới đây, Hải Phòng đã “vượt lên chính mình” để đứng vị trí thứ 7. Đây là điểm nhấn để đánh giá mức độ “tự hoàn thiện” của Hải Phòng trong việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường và thu hút đầu tư. Và đó chính là “đất lành” để hoạt động logistics phát triển.
Trong 7 giải pháp cơ bản để phát triển dịch vụ logistics, Hải Phòng đã đặt “Giải pháp chính sách thu hút vốn đầu tư” lên hàng đầu. “Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nguồn lực trong xã hội để đầu tư vào hạ tầng giao thông, vào các lĩnh vực trong chuỗi logistics theo mô hình hợp tác công – tư, chủ động đề xuất Trung ương sớm xây dựng tuyến đường sắt qui chuẩn kết nối các cảng tới Hà Nội và ra quốc tế…” – ông Tùng nhấn mạnh.
Không chỉ dừng lại ở đó, Hải Phòng ban hành các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics; Khuyến khích việc đầu tư vốn phát triển kết cấu hạ tầng logistics và các phương tiện vận chuyển, tạo cơ sở vật chất kỹ thuật cho các dịch vụ logistics phát triển; Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh logistics của Hải Phòng liên doanh, liên kết với các công ty logistics nước ngoài khai thác thị trường trong và ngoài nước; Tập trung đầu tư quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng, phương tiện kỹ thuật đồng bộ, tiên tiến nhằm phục vụ cho phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng… Đặc biệt, việc cho phép thành lập Hiệp hội Logistics Hải Phòng là một minh chứng quyết tâm của thành phố.
Những năm gần đây, Hải Phòng không ngừng cải thiện và đầu tư mạnh mẽ phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống cảng biển nước sâu tại khu vực Lạch Huyện cho phép tàu trọng tải cỡ lớn vào làm hàng trực tiếp. Điều này làm cho vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực phía Bắc trực tiếp đến từ thị trường Mỹ và Tây Á và ngược lại diễn ra nhanh hơn, nhiều hơn. Rõ ràng, Hải Phòng đã sẵn sàng và quyết tâm cho ngôi vị trung tâm logistics cả nước và quốc tế trong tương lai gần.
Theo: Diễn đàn doanh nghiệp điện tử